Ðảo Cù Lao Xanh (hay Vân Phi) nằm gần vịnh Xuân Ðài, thuộc xã Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn (Bình Ðịnh). Giữa vùng biển quanh năm sóng gió, nhiều khó khăn, những người dân trên đảo vẫn vững vàng tay lưới, vươn khơi bám biển, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng cho mình một đời sống văn hóa tinh thần phong phú, đậm đà bản sắc.
Từ bờ biển Quy Nhơn hướng ra khơi xa có thể thấy một dáng đảo mờ xanh phía chân trời. Cách đất liền chưa đầy 17 km, nhưng để đến được Cù Lao Xanh là một hành trình khá gian nan. Xuất phát từ bến Hàm Tử, Quy Nhơn để đi du lịch Cù Lao Xanh, mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu gỗ, khởi hành lúc một giờ chiều và trở về đất liền vào sáu giờ sáng hôm sau.
Rời bến, con tàu nhấp nhô trên những con sóng bạc đầu. Cảng Hàm Tử êm đềm xa dần tầm mắt, sóng mạnh dần. Thuyền chao đảo, nghiêng ngả. Cơn say sóng "hành hạ" nhiều người. Ngay cả bà chủ tàu tên Lảm mới đầu hồ hởi thu vé của khách, nói cười rôm rả, thế mà đến nửa đường với vội khẩu trang, ngồi dựa mạn tàu... Bên ngoài, sự ồn ào của "bầy sóng" khiến con tàu gỗ lắc lư, lắm đoạn tràn cả vào mũi thuyền.
Khi chủ tàu thông báo "Cù Lao Xanh kia rồi", nhiều khách thở phào vì tưởng đã đến đích. Nhưng tiếp đó là thông báo chuyển sang thuyền nhỏ để vào đảo. Trước mắt chúng tôi, ba người đàn ông vừa chèo, vừa níu sợi dây thừng nối từ bờ cảng đảo du lịch Cù Lao Xanh tự túc để kéo thuyền vào. Anh lính biên phòng cùng chuyến tàu lúc này mới rỉ tai tôi. Trước kia có bãi cát, thuyền có thể cập bến được. Nhưng sau sóng gió làm thay đổi, bãi cát biến mất, thuyền lớn chỉ ra được đến đây. Trong cơn sóng vỗ dồn dập, một trong ba ngư dân trên thuyền nhỏ phải vất vả nhiều lần tung dây để níu được thuyền vào con tàu khách. Qua vài ba lượt chuyên chở mất khá nhiều thời gian, ba chục hành khách trên tàu mới lên được đảo.
Thế mới biết, cư dân của đảo đã phải bền bỉ, đều đặn vật lộn hằng ngày với biển để kết nối cuộc sống giữa đảo với đất liền. Qua đó đủ thấy, khó khăn trong cuộc sống mưu sinh của ngư dân để bảo đảm những điều kiện tối thiểu trong lao động, sản xuất và sinh hoạt.
Nỗi vất vả của chuyến đi được đền đáp khi chúng tôi đặt chân lên đảo bởi vẻ đẹp của cảnh quan và sự chân tình, chất phác của những người dân nơi đây. Làng chài nằm nghiêng dưới chân núi dường như trở nên thơ mộng hơn trong ráng chiều nhuộm vàng mặt biển. Quyện trong gió, khói lam chiều thoang thoảng hương lửa bếp, mùi cơm thơm pha trộn sự mặn mòi của biển. Khung cảnh thơ mộng như vậy vẫn không che được những thiếu thốn, khó khăn của Cù Lao Xanh. Hóng gió trên bờ kè ven biển chờ đoàn thuyền đánh cá về đảo, cụ Tấu vui vẻ bắt chuyện với các vị khách từ đất liền. Cụ cho biết, con trai lớn đang đi biển sắp cưới vợ, muốn vào Quy Nhơn mua sắm một số đồ cho con, ngặt một nỗi tuổi già, đi lại khó khăn và cũng phải đợi sau đợt đánh bắt tới mới đủ tiền. Bà Minh, hàng xóm của cụ Tấu ngồi cạnh chia sẻ: "Cuộc sống của bà con chỉ trông chờ vào biển, vất vả lắm, nhưng biết làm thế nào, mấy đời nhà tôi đã bám biển rồi. Trước đây, ông nhà tôi và các cháu cũng có ghe lớn, đánh bắt xa bờ. Sau này, đi biển lỗ quá, đành bán thuyền để đầu tư vào các thuyền nhỏ câu mực, gần bờ hơn".
Buổi tối, anh Phong, cán bộ UBND xã Nhơn Châu đến góp chuyện cùng khách, tâm sự về những khó khăn của nghề biển trên đảo. "Những năm trước, cả đảo có 127 phương tiện tàu thuyền đánh cá cỡ lớn, nhiều sức ngựa. Nhưng hiện giờ còn ít, vì đi gần tháng trời mà mỗi người chỉ được một triệu đồng, người dân phải tính cách thay đổi phương thức đánh bắt, lựa chọn các phương tiện vừa phải và quy mô nhỏ, phù hợp khả năng kinh tế". Anh Phong nói, chỉ tay về hướng biển, nơi ánh đèn của các thuyền đánh cá đêm lập lòe, giải thích: "Bây giờ, dân trên đảo tập trung vào đánh bắt cá cơm, cá mực, thu nhập ổn định mà chi phí không quá tốn kém".
Trước đây, đảo du lịch Cù Lao Xanh trong ngày chỉ có đường đất chật hẹp, gồ ghề thì hiện nay, với sự hỗ trợ của tỉnh, xã đã đầu tư bê-tông hóa toàn bộ đường liên thôn. Ðây được coi là một sự thay đổi lớn đối với nhân dân xã đảo, hàng chục năm trước, ít người biết đi xe, nhưng trẻ con hiện đã đi học bằng xe đạp, hầu hết các hộ gia đình đều có xe máy. Bên cạnh đó, một cầu cảng cá được ngân sách nhà nước đầu tư cùng một hệ thống bơm nước ngọt, nước sạch dành cho sinh hoạt của nhân dân, phục vụ nhu cầu xử lý, bảo quản hải sản. Mới đây, đảo có cả trạm tiếp sóng phát thanh - truyền hình và hệ thống đài truyền thanh cung cấp thông tin, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho nhân dân toàn xã...
Theo ban lãnh đạo xã Nhơn Châu, số lượng hộ nghèo của xã hằng năm đều giảm từ 20 đến 30 hộ. Năm 2000, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm 38,4% thì qua 14 năm phấn đấu, đến nay chỉ còn 57 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,18% tổng số hộ toàn xã. Sự đổi mới về cuộc sống này đã giúp đời sống tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao rõ rệt; các lễ hội truyền thống của nhân dân xã đảo được bảo tồn và giữ gìn; phong trào thể dục - thể thao được duy trì và phát huy; các phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, từ thiện cũng được quan tâm và được Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tặng Bằng ghi công.
Sau những nỗ lực không biết mệt mỏi, cuộc sống của cư dân trên đảo Cù Lao Xanh giờ đã khởi sắc, tươi mới. Bác Ðặng Văn Chiến, từng là công an viên của xã đứng cạnh chiếc ghe chở nặng cá cơm, hồ hởi: "Tôi quê gốc Tam Quan, ra đảo lấy vợ và lập gia đình hàng chục năm nay. Nhờ những thúng cá cơm này và đàn lợn chăn nuôi mà vợ chồng tôi nuôi được năm đứa con ăn học đàng hoàng. Ba đứa đang học đại học".
Buổi sáng, bình minh trên biển Nhơn Châu rạng ngời. Thuyền bè tấp nập ra khơi, cập cảng. Vượt qua khó khăn để vươn lên, làm chủ cuộc sống dẫu còn nhiều vất vả, khó khăn, Cù Lao Xanh và xã đảo Nhơn Châu đang vững vàng hướng về phía trước với quyết tâm làm giàu từ biển, góp một phần nhỏ bé trong chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước.
Tags
Du lịch Quy Nhơn